Giới thiệu chung

Tổng quan về nguyên tắc đảm bảo an toàn

 

REDD+ đã được phát triển trong khuôn khổ Công ước khung của khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu như là một cơ chế tài chính quốc tế cung cấp các khoản chi trả dựa trên kết quả cho các nước đang phát triển đối với việc thực hiện thành công các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng. REDD+ là một khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và ngoài việc giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu hay những lợi ích về các bon, REDD+ còn mang lại những lợi ích phi các bon khác, tuy nhiên REDD+ cũng tiềm ẩn những rủi ro về môi trường và xã hội.

Nhận thức được rằng những rủi ro tiềm ẩn về môi trường và xã hội của các hoạt động REDD+ cần được giải quyết (REDD+ không gây hại) và những lợi ích REDD+ mang lại là quan trọng (REDD+ làm tốt), các bên tham gia UNFCCC đã đồng ý với bộ bảy nguyên tắc đảm bảo an toàn trong REDD+ tại COP 16 tổ chức tại Cancun, năm 2010, và gọi tắt là “các nguyên tắc đảm bảo an toàn Cancun”.

Việt Nam áp dụng cách tiếp cận quốc gia về đảm bảo an toàn, bao gồm một khung khái niệm và các quy trình có liên quan để đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn trong REDD+ của UNFCCC và các sáng kiến và thể chế quốc tế khác.

Cách tiếp cận quốc gia về đảm bảo an toàn hướng tới các mục tiêu chính sau đây:

  1. Các hoạt động REDD+ được xây dựng và thực hiện tuân thủ theo các nguyên tắc về đảm bảo an toàn (áp dụng đối với các loại hình tài trợ).
  2. Một hệ thống thông tin về đảm bảo an toàn (SIS) được xây dựng và vận hành để cung cấp thông tin cho các bên liên quan về việc xem xét và tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn; và
  3. Một báo cáo tóm tắt về đảm bảo an toàn (SOI) được định kỳ đệ trình lên Ban thư ký của UNFCCC và các nhà tài trợ tiềm năng khác (ví dụ Quỹ Khí hậu xanh).

Các bước thực hiện cách tiếp cận quốc gia về đảm bảo an toàn

SIS được xây dựng dựa trên kết quả của bốn quá trình riêng biệt nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau:

  1.  Diễn giải các nguyên tắc đảm bảo an toàn Cancun theo bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
  2.  Xác định nhu cầu thông tin cho SIS.
  3.  Xác định và đánh giá những hệ thống và nguồn thông tin liên quan hiện có.
  4. Đánh giá việc thực hiện khung pháp lý trên thực tế.

 

 

 Mục tiêu của SIS tại Việt Nam

  • Giai đoạn 2016-2020: mục tiêu của SIS là cung cấp thông tin về những nguyên tắc ĐBAT được xem xét và tuân thủ trong quá trình thực hiện REDD+. Do đó, mục tiêu ngắn hạn của SIS tại Việt Nam là đáp ứng những yêu cầu báo cáo của UNFCCC và xây dựng Báo cáo tóm tắt (SOI). Đề xuất thu thập và cung cấp thêm thông tin về việc thực hiện các nguyên tắc ĐBAT trong khuôn khổ Chương trình giảm phát thải (ERP) của Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) tại 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
  • Giai đoạn sau năm 2020: mục tiêu của SIS nhằm hỗ trợ giám sát “những hoạt động ưu tiên” trong lĩnh vực lâm nghiệp, ví dụ như Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) và rộng hơn là, góp phần tăng cường quản trị trong lâm nghiệp, thông qua việc hỗ trợ giám sát thực thi chính sách và tuân thủ luật pháp trong lâm nghiệp.

 

SIS Việt Nam sẽ cung cấp thông tin về việc xem xéttuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn.
 

Khi chưa có định nghĩa chính thức về khái niệm “xem xét” và “tuân thủ” đối với các nguyên tắc đảm bảo an toàn Cancun và các yêu cầu về cung cấp thông tin về bối cảnh quốc gia của các bên tham gia UNFCCC. Việt Nam áp dụng hai khái niệm này với cách hiểu như sau[1]:

  • Xem xét: Có các chính sách, luật, quy định, thể chế, cơ chế giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại phản hồi lên quan đến các nguyên tắc báo đảm an toàn khi thực hiện các hoạt động REDD+.
  • Tuân thủ: Thực hiện  các chính sách, luật, quy định, thể chế, cơ chế giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại phản hồi lên quan đến các nguyên tắc báo đảm án toàn khi thực hiện các hoạt động REDD+.

 

[1] Phù hợp với thông lệ tốt của các quốc gia khác theo kết quả của hội thảo với các chuyên gia được tổ chức bởi Cơ quan phụ trách tư vấn khoa học và công nghệ của UNFCCC, được tổ chức vào tháng 10 năm 2011. Theo đó, “xem xét” được hiểu là những thể chế, chính sách, quy định, chiến lược, thỏa thuận,…hiện đang sẵn có; “tuân thủ” được hiểu là việc thực hiện thành công các yêu cầu về đảm bảo an toàn.

Xem thêm về các Nguyên tắc đảm bảo an toàn